Bài này chia sẻ kinh nghiệm không quảng cáo ^^
Việc thất lạc hành lý trong các chuyến bay đi nước ngoài là điều không mong muốn trong các chuyến đi. Nhưng đôi khi việc thất lạc không thể tránh khỏi, đặc biệt là chuyến bay nối chuyến trực tiếp. Hành lý sẽ được tự động chuyển từ sân bay khởi hành đến sân bay đến. Khi bị thất lạc hành sẽ gây ra không ít bối rối và mệt mỏi. Vậy nên bài này mình tổng hợp kinh nghiệm thực tế yêu cầu bồi thường bảo hiểm của người bạn cùng chuyến đi đến Ấn Độ tháng 09 vừa qua.
Bạn mình book chuyến bay của Thái Airways từ Hà Nội đến Delhi, nối chuyến ở Bangkok. Đến Delhi vào lúc gần sáng sớm đợi hoài không thấy hành lý đâu. Khi băng chuyền hành lý đã đóng mà không thấy em ba lô yêu thương thì biết có nhiều việc phải làm rồi.
Đầu tiên liên hệ nhân viên bộ phận thất lạc hành lý để thông báo. Sau khi kiểm tra nhân viên thông báo là hành lý của bạn mình vẫn đang ở Thái Lan và nói sẽ chuyển tới bằng chuyến bay sớm nhất.
Sau đó họ sẽ phát cho một tờ khai với rất nhiều thông tin phải điền như: chuyến bay, hãng bay, phiếu hành lý số…, địa chỉ liên hệ ở Việt Nam, địa chỉ liên hệ ở Ấn Độ, ba lô màu gì, bên trong ba lô có gì? Bạn mình lúc đó đã nhấn mạnh rất nhiều lần là cần hành lý gấp vì bên trong nhiêu quần áo ấm, sẽ bay đi Leh chứ không ở lại Delhi. Bạn ấy khá lo lắng và mệt mỏi vì Leh ở độ cao hơn 3500m với khí hậu lạnh. Yêu cầu hành lý phải được chuyển đến địa điểm homestay ở Leh.
Sau khi ký tờ khai, họ sẽ yêu cầu để lại tag dính hành lý. Lúc này thì nhớ chụp lại tấm hình kèm tờ khai với cái tag đó thật rõ ràng. Việc này rất quan trọng để làm bằng chứng yêu cầu bồi thường bảo hiểm.
Hơn 1 ngày sau thì ông chú ở homestay nhận được cuộc gọi của hãng bay báo là hành lý sẽ được chuyển đến sân bay Leh qua hãng bay Vistara. Bạn mình lếch thếch đến sân bay lấy hành lý và yêu cầu nhân viên giao hành lý ghi rõ giờ trả hành lý bị thất lạc. Theo qui định của bảo hiểm AIG, hành lý bị thất lạc quá 24h sẽ được bồi thường mức bảo hiểm tối đa là 10.5 triệu đồng.
Trường hợp nếu phải mua đồ dùng trong thời gian hành lý bị thất lạc hoặc đến chậm, cũng cần lưu ý lấy hóa đơn để sau này kẹp cùng hồ sơ đòi tiền bảo hiểm.
Khi về đến Việt Nam thì điền tờ thông tin bồi thường bảo hiểm kèm các chứng từ theo yêu cầu. Đúng một tuần thì bạn mình nhận được thư chấp thuận bồi thường với mức cao nhất. Tiền cũng vào tài khoản luôn.
Kinh nghiệm tóm lại là:
- Mua bảo hiểm du lịch trước chuyến đi gói cao cấp với mức độ bồi thường cao nhất. Mình chọn AIG với giá hơn 400k/người cho gần 15 ngày. Nhân viên của AIG cũng khá xịn, lúc mình liên hệ bằng email là chị nghỉ lễ nên không hồi âm nhưng sau khi nghỉ lễ là chị email nhiệt tình hướng dẫn. Thủ tục bên này cũng khá minh bạch, không gây rối bời cho người mua.
- Lưu lại các thông tin bảo hiểm cần thiết để lúc xảy ra sự cố thì biết tìm ai, chứng từ gì để được bồi thường bảo hiểm
- Hành lý xách tay nên để ít nhất 1 bộ quần áo, 1 cái áo khoác và các vật dung cần thiết nếu chẳng may bị thất lạc .
- Bình tĩnh trong mọi tình huống.